LÁ THƯ ĐẾN TỪ THANH XUÂN


Một tia nắng chói qua mắt, cơn gió mạnh vụt qua, tất cả mọi thứ tối sầm lại, cuốn tôi vào một trạng thái lửng lơ, vô định. Tôi sững sờ khi đã lấy lại sự vững vàng và chứng kiến khung cảnh trước mắt mình. Những lớp học cũ kỹ? Các bạn học sinh từ phía xa? Những hàng ghế đá và nền đất lởm chởm vài bụi cỏ? Mọi thứ mang một dáng vẻ cổ xưa và đơn sơ, vừa lạ lẫm vừa có điều gì đó vô hình khiến tôi cảm thấy nơi đây thật gần gũi, quen thuộc.

Thế nhưng, sao tôi lại ở đây? Tất cả đang là mơ đúng không? Giờ này đáng lẽ tôi phải đang tham gia buổi họp mặt kỷ niệm 30 năm thành lập trường chứ? Bất chợt, Quyên – cô bạn thân nhất thời đi học của tôi chạy đến vỗ vai và cười nói:

- "Đến giờ học bồi dưỡng rồi, mau vào lớp thôi”

Thật kì lạ! khi Quyên trước mắt tôi lại mang dáng vẻ của một cô bé mười bảy tuổi với sự nhí nhảnh đang tung tăng kéo tôi vào lớp học. “Chiếc logo in đậm dòng chữ "trường Phổ thông trung học Chuyên Bình Thuận" trên áo cậu ấy?” Tôi cau mày với sự một sự khó hiểu không thể giải thích. Bỗng sự chú ý của tôi lại đậu vào hình bóng thấp thoáng ẩn hiện trên ô cửa kính bên cạnh, tôi thấy diện mạo mình khác lạ - bản thân dường như trẻ hơn và quay trở lại thời mười bảy, mười tám của những năm tháng học đường. Trong vô thức tôi đưa tay chạm lên ô cửa kính, hình bóng ấy khiến khoé mắt tôi ươn ướt và môi khẽ nhếch một nụ cười hạnh phúc. Nhưng ngay lập tức tôi cuống cuồng hỏi Quyên về thời gian hiện tại:

“Bây giờ là ngày mấy, tháng mấy hả Quyên?”. “Ngày 12/9/” - Quyên đáp

“Năm nào vậy?” - Tôi hỏi

“1992” - Cậu ấy trả lời với một giọng điệu đầy dứt khoát.

Còn tôi vừa hoang mang nhưng cũng vừa chợt hiểu ra điều gì đó. Tôi đang xuyên không trở về lại 30 năm trước, lúc tôi đang lớp 11 – đang là một cô bé chập chững với nhiều mong ước và khát vọng đấy ư? Cũng cùng lúc ấy, tiếng lạch cạch của tấm bảng xanh trên bục khiến tôi bất giác nhận ra cô giáo đã vào lớp và bắt đầu bài giảng của mình.

Hình dáng cô Huỳnh Trang năm ấy đang hiện ra trước mắt tôi, làm ùa về bao ký ức vốn đã bị khuất lấp thật sâu dưới lớp bụi của thời gian. Vẫn là tiết học của năm ấy, vẫn là lời giảng của năm ấy “Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian”.

Các bạn xung phong và thảo luận một cách đầy nhộn nhịp. Người thì tỏ vẻ hứng thú với câu từ. Người thì trêu đùa một cách hóm hỉnh, tếu táo với những lời thơ táo bạo của Xuân Diệu. Lớp học nhỏ nhắn, thậm chí chật chội trong một không gian đơn sơ, mộc mạc vì thế cũng thật ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Thế nhưng, với tôi nó thật kỳ lạ. Tôi dường như lắng nghe thật rõ được nỗi thổn thức của Xuân Diệu, đau đáu một nỗi luyến tiếc khó tả trước từng dòng thơ cô đang ngân lên - điều mà tôi của thời hoa niên hồn nhiên trước đây không cảm nhận thấy. “Thời gian đang trôi qua, khoảnh khắc đẹp đẽ này còn lại bao lâu nữa?”.

Tiếng trống “tùng, tùng, tùng” bỗng đột nhiên vang lên. Cả lớp nhốn nháo, hớn hở chạy ùa ra sân. Khung cảnh này bỗng khiến tim tôi đập mạnh và quặn thắt lại làm sực lên một cảm giác khó tả. Đó là những giờ phút tuyệt đẹp của thời học sinh! Tôi quyết định rảo bước trên sân trường để ngắm nghía thật kĩ dáng vẻ của trường năm ấy - điều mà đã lâu tôi chẳng còn nhớ nữa. Những lối cầu thang quen thuộc, những lớp học mang vẻ đẹp cổ điển, khuôn viên trường với các hàng cây xanh đông đúc các bạn học sinh. Các hội nhóm túm năm tụm bảy để tán gẫu, nói chuyện phiếm với nhau, những câu lạc bộ đàn hát, những cặp đôi bọ xít. Cái không khí nắng gắt cùng làn gió mang hơi biển từ dòng sông Cà Ty bên cạnh lùa qua mái tóc, choáng lấy khứu giác đã thả tôi vào một trạng thái cảm xúc đặc biệt không sao diễn tả nổi. Tất cả đều như thu về dưới mái trường Chuyên Trần, chỉ còn lại đây trước mắt tôi là những tâm hồn thanh tân, đầy rạo rực với những ước mong hồn nhiên, đầy khát vọng về tương lai.

Bỗng tôi nghe thấy Quyên gọi từ phía đằng sau. Tôi quay lại nhưng một ánh sáng chói chang làm hoa mất tầm nhìn, khiến tôi choáng váng vài giây. Khi mở mắt tôi đã thấy Quyên đứng ngay bên mình. Cậu ấy kéo tay tôi đi và nói với một giọng hồ hởi vô cùng vội vàng, gấp rút:

- “Mau vào lớp họp mặt thôi. Các bạn đến hết cả rồi, hai tụi mình đến trễ nhất đó”.

Tôi lại ngỡ ngàng vì sự thay đổi đột ngột. Dẫu vậy tôi không thắc mắc quá nhiều bởi tâm trí tôi vẫn còn đang miên man trong những dòng hồi tưởng. Nhưng khi lướt qua ô cửa kính tôi lại thấy diện mạo của mình khác đi. Tôi sững sờ, đứng phắt lại để ngắm nhìn hình bóng phản chiếu của mình trên gương kính. Đây là tôi của năm 47 tuổi, mọi thứ hiện lên một cách thật rõ rệt. Quyên trước mắt tôi không còn là cô bé nhí nhảnh thuở mười tám, đôi mươi của năm ấy nữa. Không gian xung quanh cũng mới lạ khác thường. “Thì ra tôi đã trở về lại hiện tại”. Sau đấy buổi họp mặt đã diễn ra với nhiều cuộc trò chuyện, tâm sự, tán gẫu. Chúng tôi ôn lại những kỉ niệm xưa vừa cùng nhau ước chung một điều ước “có thể thêm một lần nữa được trở về lại năm tháng thanh xuân ấy để sống thật trọn vẹn, thật hạnh phúc với nhau!”.

Rốt cuộc trải nghiệm ấy thực sự là gì? Đó là một cuộc xuyên không vượt thời gian trở về lại quá khứ hay tôi chỉ đang chìm đắm trong những hồi tưởng? Hay tâm trí tôi chỉ đang tưởng tượng? Có lẽ sự bí ẩn, khó hiểu đến mức hoang đường của sự kiện ấy đã không còn quan trọng nữa. Tôi chỉ biết rằng những cảm nhận, cảm giác là thật. Hành trình ngắn ngủi ấy đã khiến tôi nhận ra cuộc đời thật hữu hạn, từng khoảnh khắc của hiện tại đều vô cùng quý giá. Nhất là những năm tháng thanh xuân, nó vô cùng ngắn ngủi nhưng lại đầy ắp những điều thú vị, mới mẻ để ta khám phá và tận hưởng. Vì vậy sống thật sâu, thật trọn vẹn trong từng giây phút của hiện tại chính là cách để ta của sau này không phải hối tiếc và dằn vặt chính mình.

Dù có thế nào cũng thật biết ơn những tháng ngày đáng nhớ dưới mái trường Chuyên Trần. Cảm ơn những tiết học đã mang đến cho tôi của năm ấy những tri thức tuyệt vời. Cảm ơn sự nghiệp trồng người 30 năm của nhà trường đã đồng hành cùng bao thế hệ để đánh dấu một cột mốc thật ý nghĩa. Khoảng thời gian tuy không dài so với dòng chảy miên viễn của thời gian nhưng đối với một đời người đủ để khiến một đứa trẻ sơ sinh trở thành một người trưởng thành, chín chắn và độc lập trong cuộc sống của riêng mình. Sau cùng cảm ơn Chuyên Trần vì đã là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi, để góp phần làm nên tôi của hiện tại thật tuyệt vời, rực rỡ như ngày hôm nay.

Phan Thiết, ngày 14 tháng 9 năm 2022

Nguyễn Khánh Ái My - 12 Văn

THƯ VIỆN ẢNH