LÀ CHUYÊN TRẦN HAY LÀ NỖI NHỚ


          Cuối mùa hạ, hoa sữa trong vườn cựa mình tỉnh giấc, phảng phất trong gió chút hương khiêu khích kẻ say đắm trời thu. Tôi tiếc trời dễ chịu, tiếc mình rảnh rỗi, tiếc chút niềm vui nhỏ chẳng biết chia sẻ với ai. Tiếc rẻ cả mùa hè đã trôi qua gần hết, lượm nhặt vết tích quẳng lại trong khứu giác. Nắng chiều vàng ươm vắt qua mi mắt, đánh rơi trên tóc tôi một giấc ngủ quên, khẽ khàng chạm vào tâm trí tôi mảng ký ức đã phủ bụi mờ nhòe. Là một đoạn phim tua ngược, hay một bản nhạc đã thâu thanh từ lâu, tôi không rõ nữa. Chỉ nhớ rằng thứ còn đọng lại trên khóe mắt tôi là dòng lệ mặn chát.

           Năm ấy, tôi mười sáu.

          Tôi thấy mình háo hức khoác lên bộ đồng phục màu xanh lá mạ, thấy mình bối rối trong chiếc áo dài trắng quá đỗi duyên dáng. Tôi hồ hởi khoe má về những điều tôi chưa bao giờ được trải nghiệm dưới mái trường cấp hai. Sự ngại ngùng với những người bạn mới, bẽn lẽn với anh chị lớp trên. Trời tháng tám trong veo như mặt hồ, nắng giòn giã đáp trên vai áo sơ mi một cái hôn mềm. Có lẽ là mới mẻ, có lẽ là hân hoan. Khi ấy, chuyên Trần có vẻ như đã trở thành điều đặc biệt trong tôi.

            Lưng chừng tuổi trẻ, tôi mười bảy.

          Ký ức tua về khoảng thời gian chúng tôi phải làm quen với cách học mới. Khoảnh khắc vội vã gọi nhau cùng dậy học, nhắc nhở nhau điểm danh, trao đổi việc học hay xuýt xoa cái lạnh tháng mười mỗi sáng. Tất cả chỉ có thể vỏn vẹn qua chiếc màn hình vài inch. Khi ấy chúng tôi rất nhiều lần nói nhớ nhau, rồi đến lúc được gặp lại, ai cũng hồ hởi tay bắt mặt mừng, cười nói như không gặp từ rất lâu rồi. Nắng xuân ôm ấp chúng tôi đi qua những ngày khó khăn nhất của cơn sốt, tràng ho, để rồi cùng nhau có mặt đầy đủ trong khung hình bế giảng lớp mười một.

          Thế mà ngoảnh lại, tôi mười tám.

       Chúng tôi bắt đầu loay hoay, ngụp lặn trong vô vàn câu hỏi từ phía mọi người, hay là từ chính bản thân mình nữa. Xoay vần trong những câu hỏi rằng mình là ai? mình muốn trở thành người như thế nào? Có người biết, có người không. Nhưng cảm giác lo lắng, hồi hộp là điều mà ai cũng phải trải qua. Những con người trẻ khi ấy chỉ có niềm tin và mơ ước trong tay, thoạt nhiên sợ cái suy nghĩ sẽ phải bước chân ra đời, thoạt nhiên nhớ chuyên Trần ghê gớm dù chưa phải rời xa. Giọt nắng đậu trên lưng áo, thấm ướt một mảng sơ mi không còn mới như ban đầu. Chúng tôi ngồi đó, dưới cơn gió mùa hạ, dưới bầu trời tháng năm không một gợn mây, với bao lời động viên của hết thảy người yêu mến, trải qua cuộc thi quan trọng nhất mười hai năm áo trắng. Ngày cuối cùng của năm học lớp mười hai, tôi không khóc, vì tôi biết chuyên Trần vẫn ở đó.

          Chuyên Trần vẫn ung dung đứng giữa khoảng sân rộng thênh thang, vẫn yêu thương ôm lấy vòm phượng rực đỏ một khoảng trời. Tầng tầng phòng học chất đầy nắng chảy vàng vọt, cất lại trong không khí bụi phấn viết bảng. Tôi nhắm mắt, vịn vào trí nhớ mà đi. Chốc chốc lại thấy vài ô gạch mới lạc quẻ nằm giữa những viên đã sờn theo thời gian. Một cành cỏ dại mọc lên mạnh mẽ trên diện tích đất không thể nào khiêm tốn hơn – ranh giới của những ô gạch nứt. Những chiếc cửa sổ nhôm với tiếng kêu ken két chói tai, mấy chiếc bàn học màu gỗ cam không mới cũng chẳng cũ, vài cái cây đứng đây bao mùa thay lá không thể gọi tên luôn xuất hiện trong trí nhớ. Bước thêm chút nữa, thấy thư viện chuyên Trần vẫn ở đó, nép mình lặng lẽ bên cạnh canteen lúc nào cũng náo nhiệt. Nhà thi đấu to oạch khi ấy đứa nào cũng tò mò, nhưng vào một chốc lại trở ra vì nóng. Chỉ có hàng cây rợp bóng sau trường luôn ưu ái gửi cho chúng tôi một ít gió mát, vỗ về cả một chiều nắng to.

          Mùi hoa sữa theo gió lướt qua gò má là thật hay là mơ. Tôi ngồi dậy trên phản gỗ, dưới tán hoa sữa, thấy mắt mình nhòe đi vì ướt, thấy mùa hè vẫn còn hơn phân nửa, thấy phượng vẫn nhuộm đỏ một góc trời như tấm ảnh chụp mặt hồ trong bị cháy sáng.

Là đoạn phim, hay là bản nhạc.

Là bầu trời, hay là màu nắng.

Là hoa sữa, hay là phượng buồn.

Là chuyên Trần, hay là nỗi nhớ.

                                                                                   Phan Thiết 05/09/2022

Nguyễn Tường Khánh Vy - VK28

THƯ VIỆN ẢNH